PHÒNG PHONG (Radix Saposhnikoviae divaricatae)

Tên cây thuốc: Phòng phong, Tên khoa học: Saphoshnikovia divaricata (Lurcz) Shischk. Họ: Apiaceae

PHÒNG PHONG (Radix Saposhnikoviae divaricatae)

Tên cây thuốc: Phòng phong

Tên khoa học: Saphoshnikovia divaricata (Lurcz) Shischk.

Họ: Apiaceae

 

Phòng Phong: (Radix Saposhnikoviae divaricatae)

Tên khác:

Bỉnh phong, Hồi thảo, Lan căn (Biệt Lục), Đồng vân (Bản Kinh), Bắc phòng phong, Hồi vân, Bạch phi (Ngô Phổ Bản Thảo), Thanh phòng phong, Hoàng phòng phong, Bách chi, Hồi tàn, Hồi thảo, Sơn hoa trà, Tục huyền (Hòa Hán Dược Khảo).

Bài viết khác:

Cây thuốc:

Phòng phong hay Thiên phòng phong (Ledebouriella seseloides Wolff.) là cây sống lâu năm, cao khoảng 0,3-0,8m, lá mọc cách, cuống lá dài, phía dưới cuống phát triển thành bẹ ôm vào thân, lá kép 2-3 lần xẻ lông chim, trông giống lá Ngải cứu.

Hoa tự hình tán kép, mỗi tán kép có 5-7 tán nhỏ, cuống tán nhỏ không đều nhau. Mỗi tán nhỏ có 4-9 hoa nhỏ, màu trắng. Quả kép gồm 2 phân quả, hai quả dính nhau như hình chuông. Trên lưng quả có sống chạy dọc, giữa sống có 1 ống tinh dầu, mặt tiếp xúc giữa 2 phân quả có 1 ống tinh dầu.

Vân phòng phong hay Trúc diệp phòng phong (Seseli delavayi Franch.)

Là cây sống lâu năm, cao khoảng 0,3-0,5m. Lá kép 2-3 lần xẻ lông chim, cuống lá dài, phiến lá chét giống lá tre, dài 7-10cm, rộng 2-4cm, mép nguyên. Hoa tự hình tán kép gồm 5- 8 tán nhỏ, mỗi tán nhỏ gồm 10-20 hoa nhỏ có cuống dài ngắn không đều.

Hoa màu trắng. Quả hình trứng dài, màu tái nâu, trên lưng phân quả có sống, chạy dọc giữa sống quả có 3 ống tinh dầu, mặt tiếp xúc giữa 2 phân quả có 5 ống tinh dầu.

Dược liệu:

Vị thuốc Phòng phong là rễ có hình nón hay hình trụ dài, dần thắt nhỏ lại về phía dưới, hơi ngoằn ngoèo, dài 15 – 30 cm, đường kính 0,5 – 2 cm. Mặt ngoài màu nâu xám, sần sùi với những vân ngang, lớp vỏ ngòai thường bong tróc ra, nhiều nốt bì khổng trắng và những u lồi do vết rễ con để lại.

Phần đầu rễ mang nhiều vân lồi hình vòng cung, đôi khi là những túm gốc cuống lá dạng sợi có màu nâu, dài 2 –3 cm. Thể chất nhẹ, dễ gãy, vết gãy không đều, vỏ ngoài màu nâu và có vết nứt, lõi màu vàng nhạt. Mùi thơm, vị đặc trưng, hơi ngọt.

Phân bố:

Phòng phong mọc ở Trung Quốc, chưa thấy mọc ở Việt Nam.

Bộ phận dùng:

Rễ (Radix Sileris). Thứ rễ to, khỏe, da mỏng, mịn, đầu rễ không có lông, mặt cắt ngang có vòng mầu nâu, ở giữa tâm mầu vàng nhạt là loại tốt. Vỏ ngoài sù sì, đầu có lông kèm chồi cứng là loại kém.

2. Thu hái – sơ chế:

Rễ đào vào mùa xuân hoặc thu, phơi nắng, ngâm nước và cắt thành từng đoạn.

Bài viết khác:

3. Bào chế – bảo quản:

Bào chế:

Chọn củ nào chắc mà lại nhuận là tốt. Cắt bỏ đầu đuôi đi, thái nhỏ, để dành dùng dần (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển). Bỏ sạch lông bờm trên đầu cuống, phun nước cho mềm, thái phiến, phơi khô, dùng sống hoặc sao lên dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu). Rửa sạch, để ráo, thái mỏng, phơi khô (Dược Liệu Việt Nam).

Bảo quản:

Dễ mốc mọt nên cần để nơi khô ráo, kín. Nếu bị mốc mọt thì sấy hơi diêm sinh.

4. Thành phần:

  • Tinh dầu, Manit, chất có Phenola Glucosid đắng, đường, acid hữu cơ (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).
  • Manitol, Phenol (Trung Dược Học).
  • Xanthotoxin (Sinh Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản] 1989, 43 (3) : 216).
  • Anomalin, Scopolatin (Tiểu Lâm Hoằng Mỹ , Sinh Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản] 1983, 37 (3) : 276).
  • Marmesin (Guo Dean và cộng sự, C A 1993, 118 : 240548h).
  • Panaxynol Falcarinol, Falcarindiol, 8E-Heptadeca-1, 8-Dien-4, 6-Diyn-3, 10-diol (Baka K và cộng sự, Sinh Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản] 1987, 37 (3) : 276).
  • Saposhnikovan (Shimizu N và cộng sự, Chem Pharm Bull 1989 37 (5) : 1329)

5. Tính vị- quy kinh:

Tính vị:

  • Vị ngọt, tính ấm (Bản Kinh). Vị cay, không độc (Biệt Lục).
  • Vị ngọt, cay, tính ôn, tán (Phẩm Hối Tinh Yếu).
  • Vị ngọt, cay, tính ôn, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)

Quy kinh:

  • Vào kinh túc Dương minh Vị, túc Thái âm Tỳ (Thang Dịch Bản Thảo).
  • Vào kinh Phế (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
  • Vào kinh Can, Đại trường, Tam tiêu ((Yếu Dược Phân Tễ).
  • Vào kinh bàng quang, can và tỳ (Trung Dược Học).
  • Vào kinh can, đại trường, tam tiêu (Đông Dược Học Thiết Yếu).

6. Tác dụng – chủ trị:

Tác dụng dược lý:

  • Tác dụng điều hòa nhiệt độ: nước sắc Phong phong cho uống thấy có tác dụng thoái nhiệt (Trung Dược Học).
  • Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc Phòng phong có tác dụng ức chế 1 số virus cúm. Nước sắc tươi Phòng phong in vitro có tác dụng đối với 1 số khuẩn như Shigella spp, Pseudomomas aeruginosa, Staphylococus aureus (Trung Dược Học).
  • Tác dụng giảm đau: Nước sắc Phòng phong uống hoạc chích dưới da đều có tác dụng nâng cao ngưỡng chịu đau của chuột (Trung Dược Học).
  • Dùng chất chiết từ Phòng phong cho thỏ đã được gây sốt uống thì thấy thuốc có tác dụng hạ nhiệt (Trung Xuyên Công Hải, trong ‘Trung Hoa Dân Quốc Y Học Hội’ Năm 1942).
  • Dùng vacxin thương hàn tiêm tĩnh mạch thỏ để gây sốt rồi so sánh tác dụng giảm sốt của 1 số vị thuốc Đông y, thấy Phòng phong (Silver divaricata Schischk.) chế thành thuốc sắc 20% và thuốc ngâm với liều 10mg/kg đổ vào dạ dầy, thì sau nửa giờ sau khi cho thuốc, tác dụng giảm sốt xuất hiện rõ. Đối với thuốc sắc, tác dụng này duy trì trên 2 giờ rưỡi, nhưng đối với thuốc ngâm thì sau 2 giờ, nhiệt độ lai tăng lên cao so với lô đối chứng. Tác giả cho rằng tác dụng giảm sốt của Phòng phong không cao (Tôn Thế Tích, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1956, 10 : 964).

Tác dụng:

  • Chủ đầu phong, đầu đau, chóng mặt, sợ gió, phong hành khắp toàn thân, xương đau nhức, phiền, trướng, uống lâu cơ thể sẽ nhẹ nhàng (Bản Kinh).
  • Trừ độc tính của Phụ tử (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
  • Trị 36 chứng phong, bổ trung, ích thần, mắt sưng đau do phong, thông lợi ngũ tạng quan mạch, ngũ lao, thất thương, mồ hôi trộm, tâm phiền, cơ thể nặng nề, năng an thần, định chí, quân bình khí mạch (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
  • Hành kinh lạc, trục thấp dâm, thông quan tiết, chỉ thống, thư cân mạch, hoạt chi tiết (làm các khớp ở chân tay lưu thông), làm mắt hết đỏ, , chảy nước mắt sống, mồ hôi tự ra, mồ hôi trộm, lậu hạ, băng trung (Trường Sa Dược Giải).
  • Khu phong, giải biểu, trừ phong thấp (Trung Dược Học).
  • Khu phong, thắng thấp, phát hãn, giải biểu (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị:

  • Trị ngoại cảm, đau khớp xương, trị uốn ván, mắt đỏ, sang lở.
  • Hội chứng phong hàn biểu biểu hiện như sốt, nghiến răng, đau đầu và đau toàn thân: Dùng Phòng phong với Kinh giới và Khương hoạt.
  • Hội chứng phong nhiệt biểu biểu hiện như sốt, đau Họng, đỏ mắt và đau đầu: Dùng Phòng phong với Kinh giới, Hoàng cầm, Bạc hà và Liên kiều.
  • Hội chứng phong hàn thấp biểu hiện như đau khớp (viên khớp) và co thắt chân tay: Dùng Phòng phong với Khương hoạt và Đương quy.
  • Mề đay và ngứa da: Dùng Phòng phong với Khổ sâm và Thuyền thoái trong bài Tiêu Phong Tán.

7. Kiêng kỵ:

  • Sợ Can khương, Bạch liễm, Lê lô, Nguyên hoa (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
  • Ghét vị Tỳ giải (Tân Tu Bản Thảo). Ghét vị Bạch cập (Bản Thảo Nguyên Thỉ).
  • Nguyên khí hư yếu: không dùng (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
  • Phế hư, suyễn, có mồ hôi: không dùng (Dược Tính Tập Yếu Tiện Độc).
  • Huyết hư sinh phong, nhiệt cực sinh phong: Không dùng (Trung Dược Học).
  • Âm hư hỏa vượng: cẩn thận khi dùng (Trung Dược Học).
  • Phụ nữ sau khi sinh, trẻ nhỏ sau khi bị tiêu chảy mà tỳ hư, co giật: cấm không được dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

8. Một số cách dùng thông dụng:

  1. Ngộ độc Ô đầu, Phụ tử, Nguyên hoa: Phòng phong nấu kỹ, lấy nước cốt mà uống thì giải được độc ngay (Thiên Kim Phương).
  2. Trị mụn nhọt, ban chẩn, thương hàn còn ở ngoài biểu: Cam thảo, Chi tử, Liên kiều, Phòng phong. Lượng bằng nhau.Tán bột. Ngày uống 8 – 12g (Phòng Phong Tán – Phổ Tế phương).
  3. Trị phong đờm, khí uất, nôn mửa, không ăn uống được, chóng mặt: Bạch truật 120g, Nhân sâm 80g, Phòng phong 80g, Phục thần 120g, Quất bì 80g, Sinh khương 160g. Sắc, chia làm 4 lần uống (Phòng Phong Ẩm – Chứng Trị Chuẩn Thằng).
  4. Trị đới hạ (khí hư) ra mầu xanh: Bạch phục linh 20g, Bạch thược 20g, Cam thảo (sống) 20g, Chi tử 12, Nhân trần 12g, Phòng phong 12g, Sài hồ 4g, Trần bì 4g. Sắc uống (Phòng Phong Chi Tử Thang – Y Tông Kim Giám)
  5. Trị phong nhiệt, khí trệ, phân có máu: Chỉ xác, Phòng phong. Lượng bằng nhau. Sắc uống (Phòng Phong Như Thần Thang – Chứng Trị Chuẩn Thằng).
  6. Trị tiêu chảy, lỵ, người sốt, đầu đau, hơi ra mồ hôi, bụng đau, mạch Huyền: Hoàng cầm (sao), Phòng phong, Thược dược (sao) đều 40g. Trộn đều.Mỗi lần dùng 20-40g. Sắc uống (Phòng Phong Thược Dược Thang – Tố Vấn Bệnh Cơ Khí Nghi Bảo Mệnh Tập)
  7. Trị mồ hôi ra nhiều: Phòng phong, bỏ đầu ngọn, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước sắc Phù tiểu mạch (Chu Thị Tập Nghiệm phương).
  8. Trị mồ hôi ra nhiều: Phòng phong, bột gạo. Sao, tán bột. Mỗi lần uống 12g với nước sắc da heo (Chu Thị Tập Nghiệm phương).
  9. Trị mồ hôi trộm: Phòng phong 80g, Xuyên khung 40g, Nhân sâm 20g. Tán bột. Trước khi đi ngủ uống 12g với nước sôi (Giản Dị phương).
  10. Trị người lớn tuổi đại trường bị bí kết: Phòng phong, Chỉ thực, sao chung với bột mì, mỗi thứ 40g, Cam thảo 20g. tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước sôi, trước bữa ăn (Giản Tiện phương).
  11. Trị đầu đau, đỉnh đầu đau, hoặc nửa đầu đau: Phòng phong, Bạch chỉ. Lượng bằng nhau, tán bột, trộn với mật làm thành viên, to bằng viên đạn Mỗi lần uống 1 viên với nước trà xanh (Phổ Tế phương).
  12. Trị phụ nữ bị băng trung, ra huyết nhiều: Phòng phong, nhặt sạch lông, bỏ đầu, đuôi, nướng cho đến khi đỏ, tán thành bột. Mỗi lần uống 4g với rượu. Bài này đã kinh nghiệm nhiều lần, rất hay (Độc Thánh Tán – Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Bài viết khác: