BẠCH LINH / PHỤC LINH (Poria)

Phục linh / Bạch linh tên danh pháp y học thường được gọi là (Poria)

Bạch linh là loại nấm sống ký sinh xung quanh rễ của cây thông. Vị thuốc này có tác dụng kiện tỳ, hòa vị, lợi thủy và trừ thấp nên được dùng để điều trị chứng tiểu tiện khó, suy nhược cơ thể, mất ngủ, tỳ vị kém dẫn đến chứng ăn uống không tiêu, bụng đau, tiêu chảy,…

 Bạch linh có tác dụng gì?

Tên gọi khác: Phục linh, Bạch phục linh, Nấm lỗ.

Tên khoa học: Poria cocos

Tên dược: Sclerotium Poriae Cocos

Họ: Nấm lỗ (danh pháp khoa học: Polyporaceae)

Mô tả dược liệu bạch linh

  1. Đặc điểm nấm phục linh

Bạch phục linh là loại nấm mọc ký sinh xung quanh rễ của cây thông. Loại nấm này có hình khối, nặng từ 3 – 5kg tuy nhiên một số cây có thể nhỏ chỉ bằng nắm tay. Mặt ngoài có màu nâu đen hoặc màu nâu, bề mặt lồi lõm và có nhiều vết nhăn.

  1. Bộ phận dùng

Toàn bộ cây nấm bạch linh được sử dụng làm thuốc:

 Dược liệu bạch phục linh là phần màu trắng bên trong của nấm phục linh

Phục linh bì: Lớp ngoài cùng của nấm, vỏ ngoài thường có một mặt màu trắng/ nâu nhạt và một mặt màu nâu đen.

Phục linh khối: Phục linh khối là phần còn lại của nấm phục linh sau khi tách vỏ ngoài. Phục linh khối thường có màu nâu nhạt, hồng nhạt hoặc màu trắng.

Xích phục linh: Là phần màu đỏ hoặc nâu nhạt của nấm.

Bạch phục linh: Là phần màu trắng bên trong của nấm.

Phục thần: Là phần nấm ôm lấy đoạn rễ của cây thông.

  1. Phân bố

Bạch linh phân bố chủ yếu ở Trung Quốc. Vào năm 1977 có tìm thấy nấm bạch linh tại Đà Lạt ở nước ta nhưng số lượng còn hạn chế và chưa được khai thác nhiều.

  1. Thu hái – sơ chế

Nấm phục linh thường được thu hái vào tháng 7 – 9 hằng năm. Sau khi hái về đem loại bỏ đất cát và tạp chất, sau đó chất thành đống cho ra mồ hôi.

Sau đó rải ra chỗ thoáng gió để làm se mặt nấm, tiếp tục chất đống và đem phơi thêm vài lần cho đến khi bề mặt nấm nhăn nheo. Cuối cùng đem phơi âm can cho đến khi nấm khô hoàn toàn. Hoặc có thể thái nấm tươi thành từng miếng rồi phơi ở nơi thoáng gió cho khô.

  1. Bảo quản

Bảo quản nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp.

  1. Thành phần hóa học

Nấm phục linh chứa các hợp chất triterpenoid, chất khoáng, beta-pachyman, protein, mỡ, histamine, gum, beta-pachymanase, adenine, lipase,…

Bài viết khác:

Vị thuốc bạch phục linh

 Bạch linh – Dược liệu có vị ngọt nhạt, tính bình, tác dụng hòa vị, kiện tỳ, trừ thấp và hòa vị

  1. Tính vị

Vị ngọt, nhạt, tính bình.

  1. Quy kinh

Quy vào Tỳ, Tâm, Thận và Phế.

  1. Bạch linh có tác dụng gì?

– Tác dụng của bạch linh theo Đông y:

Công dụng: An thần, kiện tỳ, lợi thủy, hòa vị, trừ thấp,

Chủ trị: Tỳ khí hư nhược, tiểu tiện khó, mất ngủ, đàm ẩm, nhịp tim nhanh, tiêu chảy, phù nề, chứng thấp nhiệt (viêm bàng quang, chướng bụng), yếu tim.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

Nấm bạch linh có tác dụng bảo vệ tế bào gan, hạ đường huyết, giảm nguy cơ loét bao tử.

Thành phần polysaccharide trong dược liệu có tác dụng tăng cường miễn dịch, kháng tế bào ung thư, lợi tiểu và an thần.

Ngoài ra, nước sắc từ nấm phục linh còn có tác dụng ức chế trực khuẩn biến dạng, trực khuẩn đại tràng, xoắn khuẩn và tụ cầu vàng.

  1. Cách dùng – liều lượng

Bạch linh được sử dụng ở dạng hoàn, tán và sắc, có thể dùng độc vị hoặc phối hợp với các dược liệu khác tùy vào mục đích sử dụng. Liều dùng tham khảo: 6 – 12g/ ngày.

Bài thuốc – Món ăn chữa bệnh từ vị thuốc bạch linh

 Nấm phục linh được dùng trong nhiều bài thuốc và món ăn chữa bệnh

  1. Bài thuốc trị mất ngủ, khó ngủ, ngủ trằn trọc

Chuẩn bị: Long nhãn nhục, xương bồ, phục thần, viễn chí, đảng sâm và phục linh các vị bằng lượng nhau.

Thực hiện: Tán dược liệu thành bột mịn, sau đó luyện mật làm hoàn và dùng chu sa làm áo. Mỗi lần dùng 10 – 20g, ngày dùng 2 lần (chiều và tối trước khi ngủ).

  1. Bài thuốc trị tiêu chảy

Bài thuốc 1: Chuẩn bị sa nhân và mộc hương mỗi vị 4g, gừng chế, trần bì và bán hạ mỗi vị 5g, chích cam thảo 3g, đảng sâm, bạch phục linh và bạch truật mỗi vị 10g. Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó trộn với nước gừng táo làm thành viên (viên to bằng hạt đậu xanh). Mỗi lần dùng 4 – 8g hoặc có thể gia giảm liều theo từng độ tuổi.

Bài thuốc 2: Ý dĩ nhân, đậu ván trắng (sao), bạch truật, nhân sâm (đảng sâm), hạt sen, củ mài và bạch linh mỗi vị 80g, chích cam thảo, cát cánh, trần bì và sa nhân mỗi vị 40g. Tán thành bột mịn, trộn với hồ bột gạo tẻ làm thành viên. Mỗi lần dùng 4 – 8g, ngày dùng 3 lần.

  1. Bài thuốc trị chứng phù, tiểu ít

Chuẩn bị: Nhục quế 4g, bạch truật, bạch linh và trư linh mỗi vị 10g, trạch tả 12g.

Thực hiện: Đem tất cả dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 10g sắc uống. Ngày dùng từ 2 – 3 lần cho đến khi bệnh thuyên giảm hoàn toàn.

  1. Bài thuốc trị chứng phù và tiểu tiện khó

Chuẩn bị: Phục linh 12g, uất lý nhân và trạch tả mỗi vị 10g.

Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

  1. Bài thuốc trị chứng phù do mang thai hoặc do suy nhược cơ thể

Chuẩn bị: Cám gạo mịn 60g và bạch linh 250g.

Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 10g, ngày dùng 2 lần.

  1. Bài thuốc trị phù thũng, tiểu tiện không thông

Chuẩn bị: Cam thảo và đương quy mỗi vị 20g, chi tử và xích thược mỗi vị 125g, xích phục linh 24g.

Thực hiện: Đem tất cả dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 8g sắc với 1 chén nước còn lại 8 phần, uống khi thuốc còn nóng. Mỗi ngày dùng 2 lần cho đến khi bệnh cải thiện.

  1. Bài thuốc trị phân lỏng, tiêu chảy, sôi bụng, đi ngoài nhiều, mặt vàng do tỳ hư có thấp

Chuẩn bị: Phục linh và bạch linh mỗi vị 12g.

Thực hiện: Sắc lấy nước và dùng uống trước khi ăn.

  1. Bài thuốc giúp ngủ ngon, an thần

Chuẩn bị: Trầm hương 16g, nhân sâm 24g và phục thần (phần nấm phục linh mọc quanh rễ thông) 125g.

Thực hiện: Đem dược liệu nghiền thành bột và làm hoàn, mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 2 lần.

  1. Cháo đậu đỏ phục linh ý dĩ trị tiêu chảy vàng da

Chuẩn bị: Ý dĩ 100g, xích tiểu đậu 50g và bột phục linh 20g.

Thực hiện: Cho vào nồi, thêm gạo và nước vào nấu thành cháo. Khi cháo chín, có thể thêm đường trắng vào ăn.

  1. Cháo bạch linh trị tiêu chảy, tiểu ít, tăng mỡ máu và chứng phù nề ở người cao tuổi

Chuẩn bị: Gạo tẻ 100g và bạch phục linh (tán bột) 15g.

Thực hiện: Cho gạo vào nấu thành cháo, sau đó thêm bột vào đun sôi lần nữa. Khi chín, nêm nếm gia vị và dùng ăn hằng ngày.

  1. Cháo gạo nếp phục linh trị ho suyễn, thở gấp, đau tức vùng ngực do viêm xuất tiết tràn dịch phổi

Chuẩn bị: Gạo nếp 60g và bạch linh 30g.

Thực hiện: Đem nấu thành cháo, chia thành 2 lần dùng và ăn hết trong ngày.

  1. Rượu phục linh thần khúc trị đầu phong hư suyễn đặc trưng bởi triệu chứng chóng mặt, đau đầu

Chuẩn bị: Men rượu, thần khúc và bột phục linh.

Thực hiện: Trộn đều rồi uống với nước sôi.

  1. Bánh phục linh kích thích tiêu hóa, thích hợp với trẻ nhỏ có tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, bụng ỏng eo, người vàng vọt và gầy yếu

Chuẩn bị: Đường trắng 280g, mật ong 100g, đảng sâm, phục linh, khiếm thực, liên nhục, củ mài mỗi vị 40g, gạo tẻ và gạo nếp mỗi loại 300g.

Thực hiện: Để mật và đường riêng, dùng các vị còn lại đem tán bột mịn, sau đó thêm mật và đường vào, trộn đều. Đem hấp chín rồi cắt thành miếng vừa ăn (3×3). Mỗi ngày cho trẻ ăn vài cái bánh vào sáng sớm để cải thiện chức năng tiêu hóa.

Bài viết khác:

  1. Dê nướng sa nhân phục linh trị di niệu và di hoạt tinh ở nam giới

Chuẩn bị: Thịt dê 100 – 150g, sa nhân 30g và bạch linh 60g.

Thực hiện: Đem các dược liệu tán bột sau đó dùng ướp với thịt dê rồi đem nướng. Dùng thịt ăn khai vị và uống với một ít rượu.

  1. Cá chép hầm đậu đỏ bạch linh trị chứng phù nề toàn thân

Chuẩn bị: Phục linh 30g, cá chép 1 con và xích tiểu đậu 50g.

Thực hiện: Dùng dược liệu hầm với cá chép rồi lấy nước uống.

  1. Thịt lợn hầm phục linh bạch truật trị viêm teo dây thần kinh

Chuẩn bị: Bạch truật 20g, thịt lợn nạc 250g, phục linh 15g, cà rốt 300g.

Thực hiện: Đem dược liệu gói vào túi vải, đem cà rốt cắt miếng vừa ăn và đập dập 1 củ gừng. Cho toàn bộ vào nồi, thêm nước và hầm cho thịt chín nhừ. Sau đó bỏ bã thuốc, nêm nếm gia vị vào và ăn cả nước lẫn cái. Nên ăn 1 lần/ ngày trong liên tục 5 – 7 ngày.

  1. Bài thuốc chữa phù thũng

Chuẩn bị: Mộc thông 5g, tang bạch bì và bạch linh mỗi vị 10g.

Thực hiện: Sắc lấy nước, chia thành 3 lần và dùng hết trong ngày.

  1. Bài thuốc trị chứng phong thấp do nhiệt tí hoặc thấp tí

Chuẩn bị: Sài hồ và bạch phục linh mỗi vị 120g, phòng phong và kinh giới mỗi vị 100g, cam thảo, khương hoạt, xuyên khung, độc hoạt, cát cánh, tiền hồ và chỉ xác mỗi vị 80g.

Thực hiện: Đem các dược liệu thái nhỏ, sau đó phơi khô và tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 10g uống với nước sôi để nguội, ngày dùng 2 lần. Nếu dùng cho trẻ nhỏ, chỉ nên dùng ½ liều lượng thông thường.

  1. Bài thuốc trị suy nhược, cơ thể gầy yếu và mệt mỏi

Chuẩn bị: Hoài sơn và sơn thù mỗi vị 16g, sinh địa (hoặc thục địa) 32g, trạch tả, mẫu đơn và bạch phục linh mỗi vị 12g.

Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn và chế thành viên. Mỗi ngày dùng từ 20 – 30g.

  1. Bài thuốc giúp bồi bổ sức khỏe và nâng cao thể trạng

Chuẩn bị: Phụ tử, trạch tả và mẫu đơn mỗi vị 8g, nhục quế 12g, hoài sơn, bạch phục linh và sơn thù mỗi vị 16g, thục địa 24g.

Thực hiện: Đem tất cả nguyên liệu tán thành bột rồi làm thành viên. Mỗi ngày dùng 20 – 30g hoặc sắc uống như thuốc thang.

  1. Bài thuốc giúp nâng cao sức khỏe, giảm mệt mỏi, yếu sức ở người cao tuổi và người suy nhược lâu ngày

Chuẩn bị: Nhục quế 4 – 8g, bạch truật 12g, đảng sâm 16g, bạch linh 12g, hoàng kỳ (sao) 12g, cam thảo 8g, xuyên khung 8g, thục địa 20g, bạch thược 12g, đương quy 12g.

Thực hiện: Tán bột mịn, chế với mật ong làm thành viên. Mỗi lần dùng 20g, ngày dùng 2 lần.

  1. Bài thuốc giúp an thần và ninh tâm

Chuẩn bị: Chích hoàng kỳ, long nhãn, táo nhân (sao đen), viễn chí, phục thần, nhân sâm, đương quy, bạch truật (sao vàng) mỗi vị 12g, mộc hương và chích cam thảo mỗi vị 8g, đại táo 5 trái.

Thực hiện: Chế thành hoàn mềm và dùng uống trước khi ngủ.

Bài viết khác:

  1. Bài thuốc trị tỳ hư thấp trệ

Chuẩn bị: Trần quất bì, bạch linh bì, tang bạch bì, đại phúc bì và sinh khương bì các vị bằng lượng.

Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 8 – 12g uống với nước đun sôi để nguội.

  1. Bài thuốc trị chứng bạch đới do thấp nhiệt

Chuẩn bị: Bạch linh và khiếm thực, một lượng vừa đủ.

Thực hiện: Tán bột mịn, trộn với mật ong làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 10g hoàn uống với nước muối nhạt.

  1. Bài thuốc trị đau nhức chân tay do phong hàn thấp tý

Chuẩn bị: Đảng sâm, thục phụ tử, thược dược, bạch truật và bạch linh mỗi vị 10g.

Thực hiện: Đem phụ tử sắc trước 10 phút, sau đó cho các dược liệu khác vào sắc lấy nước uống.

Lưu ý – Kiêng kỵ khi dùng nấm bạch linh

 Không dùng nấm phục linh cho người có tỳ hư hạ hãm, tiểu nhiều, thoát vị, di hoạt tinh do hư hàn

Tiểu quá nhiều, di hoạt tinh do hư hàn, tỳ hư hạ hãm (sa dạ dày, sa trực tràng) và thoát vị không nên sử dụng bạch linh với liều lượng lớn.

Tránh dùng giấm khi đang sử dụng bài thuốc và món ăn từ nấm phục linh.

Bạch linh là vị thuốc quý nên có giá thành khá đắt đỏ. Vì vậy khi chọn mua , bạn nên lựa chọn cơ sở kinh doanh uy tín để tránh tình trạng mua phải dược liệu giả và kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.