ĐAN SÂM (Radix Salviae miltiorrhizae)

Vị thuốc Đan sâm từ rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia mitiorrhiza Bunge), họ Bạc hà (Lamiaceae), còn có tên gọi khác là Xích sâm, Huyết sâm, Hồng căn.Đan sâm được dùng rộng rãi ở các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ảnh cây Đan sâm – Salvia miltiorrhiza Bunge
ĐAN SÂM (Radix Salviae miltiorrhizae)Tên cây thuốc: Đan sâmTên khoa học: Salvia miltiorrhiza BungeHọ: Lamiaceae
Mô tả cây:
Cây thảo lâu năm, cao chừng 40-80cm; rễ nhỏ dài hình trụ, đường kính 0,5-1,5cm, màu đỏ nâu (nên còn có tên là Xích sâm, Huyết sâm, Hồng căn). Lá kép mọc đối, thường gồm 3-7 lá chét; lá chét giữa thường lớn hơn, mép lá chét có răng cưa tù; mặt trên lá chét màu xanh tro, có lông. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, dài 10-15cm, với 6 vòng hoa; mỗi vòng 3-10 hoa, thông thường là 5 hoa, màu đỏ tím nhạt. Tràng hoa 2 môi, môi trên cong hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ ba thuỳ; 2 nhị ở môi dưới; bầu có vòi dài. Quả nhỏ, dài 3mm, rộng 1,5mm.Ra hoa tháng 4-6, kết quả tháng 7-9.

Bộ phận dùng:

Rễ củ – Radix Salviae Miltiorrhizae, thường gọi là Ðan sâm.

Nơi sống và thu hái:

Cây được nhập trồng ở vùng núi (như Tam Ðảo) và đồng bằng (Hà Nội), sinh trưởng tốt. Ðào rễ vào mùa đông, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô. Tẩm nước, ủ mềm một đêm, thái lát mỏng, phơi khô, dùng sống hoặc sao qua, hoặc tẩm rượu 1 giờ rồi mới sao. Bảo quản nơi kín, khô mát.

Thành phần hoá học: 

Có 3 ceton; tanshinon I. IIA, IIB; iso-tanshinon I. llA, cryptotanshinon, isocryptotanshinon, methyl-tanshinon.

Tính vị, tác dụng: 

Ðan sâm có vị đắng, tính hơi mát; có tác dụng khư ứ chỉ thống, hoạt huyết thông kinh, thanh tâm trừ phiền.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Dùng chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, rong kinh đau bụng, tử cung xuất huyết, đau khớp xương, hòn báng do khí huyết tích tụ, phong tê, ung nhọt sưng đau, đơn độc, ghẻ lở. Cũng dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ và trẻ em xanh xao vàng vọt, ăn uống thất thường. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc, hoặc dùng rượu xoa bóp.

Ðơn thuốc có Đan Sâm:

1. Chữa kinh nguyệt không đều, động thai, đẻ xong máu hôi không ra hết, đau khớp xương: Dùng Ðan sâm rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, tán nhỏ, ngày uống 8g chia 3 lần, chiêu thuốc với nước nóng.
2. Chữa viêm gan mạn tính hoặc sưng gan, đau vùng gan: Dùng Ðan sâm, Cỏ nọc sởi, mỗi vị 20g, sắc uống hàng ngày.
3. Chữa phong nhiệt, ghẻ lở: Dùng Ðan sâm 20g, Thổ sâm 16g, Sà sàng (hạt) 16g, nấu nước để rửa khi còn nóng.4. Chữa tim sưng đau, hoặc điên cuồng, tâm thần hoảng hốt: Dùng Ðan sâm, Mạch môn, Ngưu tất, Sinh địa, mỗi vị 20g, Tâm sen sao, Hoàng liên (hay Dành dành) mỗi vị 8g, sắc uống.

Dưới đây là một số món ăn thuốc có đan sâm:

  • Gà hầm tam thất đan sâm: gà mái 1 con (1kg), đan sâm 30g, tam thất 15g. Gà làm sạch, cho hai vị thuốc vào trong bụng gà khâu buộc lại, hầm cách thủy cho chín nhừ, thêm gia vị ăn. Dùng cho người đau vùng liên sườn, hạ sườn, đau lưng, thắt lưng, đau quặn bụng do co cứng cơ, chấn thương đụng giập gây huyết ứ bầm giập.
  • Ếch hầm đan sâm: ếch 1 con, đan sâm 15g. Ếch làm sạch, cho đan sâm trong bụng ếch buộc lại, thêm ít nước cho hầm cách thủy chín nhừ, thêm gia vị. Ngày ăn 1 lần. Dùng cho người xơ gan cổ trướng có ứ huyết xuất huyết.
  • Cháo đan sâm đào nhân: đan sâm 30g, gạo tẻ 60g, đào nhân 10g. Đan sâm sắc lấy nước, cho gạo vo sạch và đào nhân vào nấu cháo. Mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục trong 4 tuần. Dùng cho người viêm tắc động mạch đầu chi.
  • Rượu đan sâm: đan sâm 30g, rượu trắng 500ml, ngâm trong 7 ngày. Mỗi ngày uống 20-30ml; ngày 2-3 lần, khi bị mất ngủ, đau đầu do động kinh, thần kinh suy nhược, di chứng chấn thương não.
  • Xi-rô đan sâm hồng táo: đan sâm 30g, hồng táo 5 quả (tách bỏ hột). Cả hai dược liệu cùng nghiền nát vụn, mỗi lần lấy 10g (khoảng 1/4) khuấy với nước sôi cho thêm chút đường uống, ngày làm 4 lần. Liên tục 4 tuần. Dùng cho các bệnh nhân viêm tắc động mạch đầu chi.

Kiêng kỵ: 

Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận. Không dùng chung với lê lô (phản lê lô).